Đại gia có tiền thì có quyền dựng tượng – Báo Nông Nghiệp

Nhìn cảnh cả mấy chục ngàn người chen lấn xô đẩy, hò hét, chửi bới om xòm trong ngày chùa Tam Chúc mở cửa đón khách thập phương đến chiêm bái mà nghệ sĩ Phạm Trần Loắng buồn đến nẫu ruột.

Không ở đâu trên thế giới này như ở Việt Nam cái gì cũng nhất: Bánh chưng lớn nhất, ngôi chùa lớn nhất, tốp những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất, đòn bánh tét dài nhất…

Còn những cái nhất không mấy người nhắc tới: Trẻ em Việt Nam chết đuối nhiều nhất, lãi suất cho vay ở Việt Nam cao nhất, đời sống thấp nhất, tai nạn giao thông nhiều nhất… thì dường như đó là chuyện ở hành tinh khác.

Đang lúc suy nghĩ mông lung về thế sự thì phóng viên lá cải đến:

Phóng viên lá cải: Thưa nghệ sĩ Loắng – từ nay tôi xin được gọi ông như thế cho ngắn gọn, bạn đọc đỡ phải uốn lưỡi đọc cả họ và tên dài loằng ngoằng, ông có vui lòng cho phép gọi như vậy không?

Nghệ sĩ Loắng: Ở cái làng Việt này từ đứa trẻ con hỷ mũi chưa sạch đến ông lão râu tóc bạc phơ họ đều gọi tôi là nghệ sĩ Loắng. Tôi tự hào về cái tên mà người dân đã gọi tôi như thế.

Phóng viên lá cải: Sự suy tôn của người dân không tiền nào mua nổi. Chính vì thế tôi mới hỏi ý kiến ông về bức tượng đồng vợ đại gia Nguyễn Xuân Trường đặt ở đền Tứ Ân trong khu vực chùa Tam Chúc là như thế nào?

Nghệ sĩ Loắng: Trước hết phải tìm hiểu đền Tứ Ân được xây dựng trên nền ngôi đền cổ hay là đền do đại gia Xuân Trường mới xây để thờ vợ mình? Theo tôi, thì đây là cái miếu được “nâng cấp” lên thành đền cho có vẻ linh thiêng. Từ ngàn xưa, những ai có công với dân với nước thì dân tự nguyện góp công, góp của để xây dựng đền thờ. Vì thế mới có câu: “Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”…

Phóng viên lá cải: Thế có nghĩa là đền Tứ Ân được đại gia Xuân Trường xây dựng trong khuôn viên của chùa, điều này có hợp lý không thưa nghệ sĩ Loắng?

Nghệ sĩ Loắng: Chùa Tam Chúc do đại gia Xuân Trường bỏ cả chục ngàn tỷ xây dựng, cũng có nghĩa chùa này của cá nhân ông ấy.

Phóng viên lá cải: “Có tiền mua tiên cũng được”, nhưng ở đây, không có nghĩa mua được lòng người.

Nghệ sĩ Loắng: Phật dạy, người ta muốn đến được cõi Phật phải kinh qua nhiều kiếp nạn, cũng như cần sự giác ngộ. Nhiều người thật tâm đến chùa để cầu an, cầu phúc sau khi đến chùa Tam Chúc họ mới “ngộ” ra là chùa giả, phật giả thì lần sau họ không đến nữa. Đó là quá trình giác ngộ họ mới nhận ra sự thật là như thế nào.

Phóng viên lá cải: Nhưng tôi cứ băn khoăn về ngôi đền Tứ Ân và tượng bà Phạm Thị Lan ngồi trên bệ thờ cùng với nhiều bức đại tự ghi công ơn của bà ta, trong đó có bức “Hương Lan Tỏa Ngát”, nghĩa là công lao của bà ấy như hương thơm của hoa lan tỏa ngát đất trời, khiến người ta nhầm tưởng là… Phật.

Nghệ sĩ Loắng: Có tiền thì xây đền dựng tượng… Nhưng còn lâu mới tới được cõi Phật, còn trở thành Phật là điều không tưởng.

Lời bàn: Tiền không thể mua được niềm tin và sự kính trọng, sự trơ tráo chỉ mang lại tiếng cười mỉa mai của thiên hạ.

Bài viết liên quan