Hành trình ‘đi tìm bảy núi’ ở An Giang – Sài Gòn Tiếp Thị

(SGTT) – Thất Sơn hay Bảy Núi là tên gọi để chỉ bảy ngọn núi tiêu biểu thuộc địa bàn tỉnh An Giang. Hành trình ‘đi tìm bảy núi’ bao gồm các ngọn núi: núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn) và núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
  • Cắm trại trên đỉnh Cô Tô, ngắm trọn vẻ đẹp vùng biên An Giang
  • Khám phá núi Cấm, nóc nhà đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng linh thiêng

Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn)

Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Ngọn núi đầu tiên trong hành trình là núi Cô Tô (hay núi Tô), nằm ngay thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn. Núi Cô Tô cao 614m so với mặt nước biển, có cấu tạo địa chất đặc biệt nên vừa có động vừa có hồ, như đồi Tức Dụp ở phía Tây hay hồ Soài So dưới chân núi.

Du khách có thể lên tới đỉnh núi để check-in chữ Cô Tô và ngắm toàn cảnh đồng ruộng bao la phía bên dưới. Ngoài ra, du khách cũng có thể cắm trại tại núi Cô Tô với nhiều trải nghiệm thú vị.

Núi Dài (Ngọa Long Sơn)

Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Đây là ngọn núi dài nhất trong Bảy Núi. Núi dài khoảng 8.000m, cao 580m nằm trên địa bàn của ba xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và thị trấn Ba Chúc của huyện Tri Tôn.

Khi qua chợ Châu Lăng, du khách đã có thể nhìn thấy sườn dốc thoai thoải của Núi Dài, bao quanh là cánh đồng lúa xanh rì, chen lẫn hàng cây thốt nốt lâu năm.

Núi Tượng (Liên Hoa Sơn)

Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Từ núi Dài theo đường tỉnh 955B đến thị trấn Ba Chúc du khách sẽ thấy Núi Tượng ở xa xa, phía bên tay phải. Núi Tượng thấp nhỏ, chỉ cao 145m và chu vi 3.825m. Nhìn từ xa, núi trông giống hình dạng con voi nên có tên là Núi Tượng.

Đứng trên đỉnh núi Tượng, du khách có thể quan sát vườn tược, đồng ruộng xanh tươi của vùng biên giới Tây Nam và cả vùng núi Tà Lơn của Campuchia…

Núi Nước (Thủy Đài Sơn)

Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Núi Nước là ngọn núi nhỏ nhất, chỉ cao chừng 54m, lọt thỏm trong đồng bằng Ba Chúc. Ngày xưa mỗi khi vào mùa nước nổi, xung quanh núi là một biển nước mênh mông, chính vì thế mà dân gian đã đặt tên núi là Thủy Đài Sơn – Núi Nước.

Tuy nhỏ và có dáng dấp như một ‘hòn non bộ’ nhưng núi cũng sở hữu nhiều cây cổ thụ và một số hang động nhỏ…

Sau khi qua địa bàn huyện Tri Tôn, giáp ranh thị trấn Ba Chúc là thị trấn Tịnh Biên của huyện Tịnh Biên. Tịnh Biên là mảnh đất mọc lên ba ngọn núi còn lại của vùng Thất Sơn An Giang

Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn)

Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Núi Dài Năm Giếng còn có tên gọi là Ngũ Hồ Sơn vì trên núi có năm giếng nước lộ thiên giữa trời sâu không thấy đáy. Đây là ngọn núi cao thứ tư trong quần thể bảy núi thuộc địa phận xã An Phú, huyện Tịnh Biên.

Núi Két (Anh Vũ Sơn)

Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Đối diện Ngũ Hồ Sơn là ngọn núi có một phiến đá hình dạng ấn tượng, như đầu một con chim két dựng đứng giữa bầu trời xanh thẳm, có tên là núi Két. Người ta đã xây dựng nhiều bậc thang lên tới đỉnh để chiêm bái điện thờ Ông Két và nhiều đền thờ nhỏ xung quanh.

Ở gần chân núi có ba di tích rất được nhiều người đến thăm viếng và chiêm bái, đó là đình Thới Sơn, chùa Thới Sơn, chùa Phước Điền…

Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn)

Ảnh: Trần Hoàng Vân Hùng

Núi Cấm là địa danh nổi bật nhất của vùng Thất Sơn nói riêng và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung bởi quang cảnh kỳ vĩ. Núi nằm giữa tỉnh lộ DT948 về hướng thị trấn Tri Tôn, sừng sững ngay lối vào Khu Du lịch Lâm Viên Núi Cấm.

Núi Cấm cao 710m, là ngọn núi cao nhất miền Tây nên có khí hậu mát mẻ quanh năm. Hiện tại có ba cách để lên đỉnh núi là cáp treo, xe máy hoặc đi bộ trên những bậc thang.

Đỉnh núi Cấm còn thu hút du khách bởi những điểm đến tâm linh như chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn và khung cảnh thiên nhiên quyến rũ của hồ Thủy Liêm hay suối Thanh Long…

Trần Hoàng Vân Hùng

Bài viết liên quan