14 Làng nghề mộc nội thất đồ gỗ tại Hà Nội – TOPnoithat.Com

Có thể bạn chưa biết, tại Hà Nội có tới 14 làng nghề mộc nổi tiếng chuyên sản xuất đồ gỗ, đóng đồ nội thất cả truyền thống và hiện đại. Có thể kể tới như làng nghề Hữu Bằng, Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu, Liên Hà, Hát Môn, Vạn Điểm, Thiết Úng, Châu Phong, Định Quán, Đồng Phố, Chanh Thôn, Thượng Mạo, Áng Phao… Gần như bất cứ món đồ nội thất nào bạn cần cũng có thể tìm được (cả mua lẻ, mua buôn) từ các làng nghề mộc tại Hà Nội được nêu chi tiết trong danh sách này (với mỗi làng là một số sản phẩm chủ lực khác nhau).

Để quý khách tiện tìm hiểu mua sắm đồ gỗ nội thất, đặc biệt là những bạn đang cần tìm nguồn nhập hàng nội thất bán buôn… Bài viết này TOPnoithat sẽ giới thiệu thông tin chi tiết về các làng nghề mộc đồ gỗ nổi tiếng tại Hà Nội. Với mỗi làng nghề chúng tôi đều sẽ cố gắng chi tiết nhất có thể các thông tin, sản phẩm để quý khách dễ tham khảo khi có nhu cầu.

Menu dưới đây rất có ích, bạn có thể bấm vào tên làng nghề để xem nhanh đúng thứ mình cần.

Tổng quan sản phẩm chính các làng nghề mộc tại Hà Nội

  • Làng nghề Hữu Bằng: các sản phẩm nội thất đa dạng như sofa, bàn trà, giường, tủ, kệ tivi, bàn ghế ăn, bàn ghế phòng khách,… cái gì gần như cũng có, cũng làm và thường ở phân khúc giá rẻ bình dân, thiết kế đơn giản hiện đại.
  • Làng nghề Chàng Sơn: thiên về các sản phẩm nội thất gỗ mỹ nghệ như tủ chè, tràng kỷ, sập, phản, giường, cầu thang, đồ thờ, nhà cổ, các công trình tôn giáo tín ngưỡng như: đình, chùa…
  • Làng nghề mộc Canh Nậu: nổi tiếng nhất là mặt hàng đồ thờ gỗ; các sản phẩm nội thất gỗ mỹ nghệ như sập gụ, tủ chè, đồ giả cổ, bàn ghế, giường tủ, kệ tivi, tranh chạm khắc gỗ… ; các sản phẩm xây dựng như: cửa gỗ, cầu thang, sàn gỗ, nhà gỗ, đình, chùa…
  • Làng nghề Dị Nậu: đồ mộc dân dụng, đồ gỗ giả cổ, mỹ nghệ cao cấp, khuôn cửa công trình, nhà gỗ,…tập trung nhiều các sản phẩm như sập, tranh, tủ chè, đồ thờ.
  • Làng nghề Liên Hà: các sản phẩm chính và có thể mạnh như giường ngủ, tủ quần áo, kệ tivi, bàn ghế gỗ…đa phần là đồ nội thất làm từ gỗ tự nhiên.
  • Làng nghề Hát Môn: sản phẩm chủ lực là tủ bếp với rất nhiều đơn vị tham gia sản xuất mặt hàng này.
  • Làng nghề Thiết Úng: đồ gỗ mỹ nghệ (bàn ghế giả cổ, sập, tủ chè, tủ đựng quần áo, giường, bệ tủ cá, tủ bát đĩa, các loại sập…), các loại tượng gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ khác du lịch.
  • Làng nghề Châu Phong: đồ gỗ mỹ nghệ
  • Làng nghề Vạn Điểm: đồ gỗ mỹ nghệ
  • Làng nghề Định Quán: đồ gỗ điêu khắc, các loại tượng gỗ
  • Làng nghề Chanh Thôn: mộc xây dựng như khuôn cửa, cầu thang, tay vịn…
  • Làng nghề Đồng Phố: đồ gỗ dân dụng như bàn, ghế, giường, tủ, các loại đồ thờ… các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp như tủ chè, sập gụ, các bộ bàn ghế minh quốc, minh đào, thái sư, thái phượng…
  • Làng nghề Thượng Mạo: các đồ nội thất truyền thống như giường ngủ, tủ quần áo, kệ tivi, cửa gỗ, cầu thang,… các sản phẩm gỗ mỹ nghệ trạm khắc có độ tinh xảo cao trong xây dựng đình đền, chùa, nhà thờ, nhà cổ, nhà gỗ…
  • Làng nghề Áng Phao: chuyên thiết kế thi công các công trình nhà gỗ, nhà cổ, nhà thờ họ… Các mặt hàng đồ gỗ nội thất gia dụng khác.

*****

Cụ thể:

1. Làng nghề đồ gỗ nội thất Hữu Bằng – Thạch Thất, Hà Nội

Địa chỉ: Hữu Bằng – Thạch Thất – Hà Nội. Làng nghề đồ mộc – may Hữu Bằng được UBND tỉnh Hà Tây (cũ, nay là Hà Nội) chính thức công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2001. Ngày nay khi nói đến làng nghề mộc Hữu Bằng là nói đến thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm mộc do các làng trong xã Hữu Bằng và các xã lân cận làm ra được bán tại đây.

Từ nội thành Hà Nội di chuyển về làng nghề nội thất Hữu Bằng có 2 đường chính, quốc lộ 32 hoặc đường Đại Lộ Thăng Long. Trong đó tiện nhất là đi từ Big C theo trục đại lộ Thăng Long khoảng 20km, rẽ phải vào đường tỉnh DT419, đi tiếp khoảng 3-4km sẽ đến làng nghề.

làng nghề mộc nội thất Hữu Bằng - Thạch Thất - Hà Nội
Bản đồ và chỉ đường về làng nghề Hữu Bằng – Thạch Thất – Hà Nội

Xã Hữu Bằng hiện có khoảng hơn 3.150 hộ gia đình tham gia nghề gỗ (trong tổng số 4.250 hộ gia đình của cả xã), chiếm khoảng 75%. Nghề gỗ là thành phần thu nhập chính của xã, hàng năm đóng góp khoảng 80% trong tổng thu nhập của toàn xã. Mang lại hàng ngàng việc làm cho người lao động địa phương và các nơi khác tới, với thu nhập trung bình khoảng 6-8 triệu mỗi tháng. Nhờ nghề sản xuất nội thất mà xã Hữu Bằng có thể nói là xã giàu có nhất của huyện Thạch Thất hiện nay.

Khác với các làng nghề đồ gỗ nổi tiếng khác ở miền Bắc như Đồng Kỵ (Từ sơn – Bắc Ninh), La Xuyên (Ý Yên – Nam Định) chủ yếu tạo ra những sản phẩm nội thất mỹ nghệ được chạm đục tinh xảo, hướng tới xuất khẩu và tầng lớp người tiêu dùng thu nhập cao trong nước. Thì ở làng mộc Hữu Bằng các xưởng sản xuất cơ bản chỉ hướng đến sản xuất các mặt hàng nội thất giản tiện, hiện đại, phục vụ phân khúc bình dân giá rẻ. Như giường, tủ, kệ tivi, bàn ghế làm từ gỗ tự nhiên (trò, gõ, sồi, xoan đào, dổi, keo,…) hoặc gỗ công nghiệp, kết hợp đệm mút xốp bọc da, nỉ (sofa), dùng trong nội thất gia đình và công sở, thuộc phân khúc thị trường bình dân.

Tham quan làng nghề nội thất Hữu Bằng vào những dịp cuối năm bạn sẽ thấy một bức tranh vô cùng sinh động. Ngay từ đường tỉnh lộ lớn bên ngoài làng là những xe tải lớn nhỏ gắn biển số các tỉnh trong cả nước đến nhập hàng. Dọc các con đường trong khắp làng nghề là san sát các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của làng nghề làm ra để cho khách lẻ và các mối buôn xem hàng. Đi sâu vào các con ngõ nhỏ, các khu vực xa hơn…là những xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất, xưởng gia công, hoàn thiện…với âm thanh sôi động. Có điều là khá bụi và ồn ào một chút.

Khám phá sâu hơn bạn sẽ thấy cả làng nghề như là một cỗ máy kinh tế hoàn chỉnh, vừa độc lập nhưng cũng phụ thuộc vào nhau. Mỗi gia đình là một công đoạn của cỗ máy kinh tế làng nghề, hình thành lên một chuỗi cung ứng nội bộ trong chính làng nghề. Đầu làng là các đơn vị cung ứng nguyên liệu gỗ, vật tư, máy móc thiết bị, cưa xẻ bán thành phẩm… Các hộ gia đình mở xưởng và tham gia với vai trò chế biến, sản xuất. Tuy nhiên các hộ cũng chia thành nhóm và đảm nhận các công đoạn khác nhau trong chế biến. Xưởng thì chỉ làm phần thô, xưởng thì nhập sản phẩm thô về làm hoàn thiện. Sản phẩm làm xong một phần chuyển qua các cửa hàng mặt đường làng nghề để bán, nhiều chủ cửa hàng chỉ làm thương mại không sản xuất. Một lượng lớn sản phẩm khác của làng nghề được xuất trực tiếp đi các nơi khác tiêu thụ – đa phần là bán buôn cho các cửa hàng nội thất ở các tỉnh.

*****

2. Làng nghề mộc nội thất Chàng Sơn – Thạch Thất, Hà Nội

Địa chỉ: Làng nghề mộc Chàng Sơn thuộc xã Chàng sơn, huyện Thạch Thất – chính thức được UBND tỉnh Hà Tây (cũ, nay là Hà Nội) cấp Bằng công nhận làng nghề truyền thống năm vào năm 2003. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 30km. Có thể đi từ nhiều hướng tới, tuy nhiên thuận tiện nhất là theo trục Đại Lộ Thăng Long rẽ vào đường tỉnh DT419.

làng nghề mộc Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội
Bản đồ và chỉ đường đến làng nghề mộc Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội

Người gần xa biết đến Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời nhất nước, nơi đây có nghề truyền thống và nổi tiếng nhất là nghề mộc. Bên cạnh đó nghề in, nghề quạt và nghề song mây tre đan, nghề tạc tượng, làm nhà cổ nhà gỗ, nghề nề, nghề sơn… cũng khá phát triển.

Riêng nghề mộc truyền thống đã trở thành nghề chính của người dân trong xã, chiếm 54,6% giá trị sản xuất, trong khi nông nghiệp chỉ chiếm 5,6%, còn lại là thương mại và dịch vụ. Về mặt lao động, hiện nghề mộc dân dụng đã thu hút được 1.955/4.510 lao động trên địa bàn xã.

Khác với làng Hữu Bằng ở trên, các Sản phẩm chính do làng nghề mộc Chàng Sơn sản xuất và phân phối lại thiên về đồ nội thất gỗ mỹ nghệ. Nổi tiếng với nhiều mặt hàng từ tủ chè, tràng kỷ, sập, phản, giường, cầu thang, đồ thờ, nhà cổ, các công trình tôn giáo tín ngưỡng như: đình, chùa…

Ngày nay công việc của người thợ mộc làng nghề Chàng Sơn đã phần nào bớt nặng nhọc và năng suất cũng cao hơn nhờ sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại. Nhiều hộ gia đình đã ứng dụng máy CNC vi tính công nghệ cao hỗ trợ trong việc tạo ra các sản phẩm thô, giảm đáng kể công sức, tăng độ chính xác. Tuy nhiên, không vì thế mà những sản phẩm mộc của Chàng Sơn mất đi giá trị của mình. Vẫn còn đó những hoa văn, những đường nét đục đẽo tinh tế mà chỉ có chính đôi bàn tay của người thợ xóm Chàng mới có thể làm ra. Người mua vẫn tìm đến nườm nượp, vẫn say đắm đến siêu lòng những sản phẩm của làng nghề này.

Bên cạnh các sản phẩm gỗ mỹ nghệ chạm trổ theo phong cách truyền thống. Hiện nay nhiều người trẻ ở Chàng Sơn đã ngày càng nhanh nhạy trong nắm bắt xu thế thị trường để đưa ra các sản phẩm mới hợp với thị hiếu. Một số xưởng tham gia sản xuất các sản phẩm nội thất hiện đại như bàn ghế, sofa, giường, tủ, kệ, cầu thang… Nhiều xưởng sản xuất các sản phẩm thô, bán thành phẩm để đổ cho các xưởng hoàn thiện ở xã Hữu Bằng bên cạnh như một công đoạn của chuỗi giá trị.

*****

3. Làng nghề mộc xây dựng Canh Nậu – Thạch Thất, Hà Nội

Làng nghề mộc Canh Nậu nằm ở phía Nam của huyện Thạch Thất – Hà Nội. Cách trung tâm Hồ Gươm khoảng 34 km và cách thị trấn Liên Quan (huyện lỵ Thạch Thất) khoảng 3 km. Để đi về làng nghề Canh Nậu thì từ trung tâm Hà Nội sẽ có 2 hướng chính là theo Quốc lộ 32 và theo Đại lộ Thăng Long, ngoài ra có thể đi theo đường tỉnh DT422 – 421,421B, DT420 và các đường nhánh liên thôn liên xã khác…

Làng nghề mộc Canh Nậu chính thức được UBND tỉnh Hà Tây (tên tỉnh cũ, nay thuộc Hà Nội) cấp Bằng công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2002. Gọi là “Làng nghề Canh Nậu” nhưng giống như nhiều “làng nghề” khác, bao gồm nhiều thôn trong xã cũng làm nghề mộc, đó như là tên thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mộc đồ gỗ của cả xã Canh Nậu – huyện Thạch Thất.

Trước đây nghề mộc chỉ là nghề phụ (nghề chính là nông nghiệp) làm lúc nông nhàn, những thợ giỏi trong làng tỏa đi khắp các tỉnh để nhận xây dựng đình chùa miếu mạo, nhà thờ, nhà gỗ, cầu thang, cửa, các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ… Ngày nay nghề mộc đã trở thành nghề chính của người dân trong làng với những sản phẩm nổi tiếng được tiêu thụ rộng khắp tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước.

Sản phẩm nổi bật nhất của làng nghề mộc Canh Nậu là mặt hàng đồ thờ bằng gỗ. Có thể nói sản phẩm đồ thờ gỗ của làng nghề mộc Canh Nậu là nguồn hàng chính của các cửa hàng bán đồ thờ tại Hà Nội, bên cạnh đó còn được xuất đi nhiều tỉnh thành khác miền Bắc và cả nước.

Bên cạnh mặt hàng đồ thờ gỗ, làng nghề mộc Canh Nậu còn sản xuất đa dạng các mặt hàng nội thất gỗ nội thất khác theo xu hướng và thị hiếu luôn thay đổi của người tiêu dùng như: đồ gỗ nội thất gia đình, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, đồ giả cổ, sập gụ, tủ chè, bàn ghế gỗ phòng khách, sập thở, tủ thờ, án gian, cửa võng, tủ – kệ tivi, bàn ăn ghế ăn, đóng tủ bếp, tủ quần áo, bàn trang điểm, giường ngủ, khung gương khung tranh, cầu thang gỗ, cửa gỗ… Ngoài làm bán sẵn, hầu hết các xưởng nội thất ở Cạnh Nậu đều sẵn sàng nhận đặt hàng đóng theo mẫu riêng mà khách hàng yêu cầu.

Những sản phẩm của làng nghề mộc Canh Nậu được nhiều khách hàng đặt mua và yêu thích như bàn ăn ghế ăn bằng gỗ Hương, giường ngủ bằng gỗ Gụ, cửa bằng gỗ Lim Nam Phi, những bộ tranh tứ quý “Tùng – Trúc – Cúc – Mai” bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, sập gụ tủ chè, đồ gỗ giả cổ hay các sản phẩm tủ bếp gỗ tự nhiên rất đẹp và bền. Nhìn những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đó được xuất ra thị trường khó ai có thể tin rằng đó chính là nhờ những bàn tay khéo léo của những người thợ xuất thân từ vùng quê Cạnh Nậu.

Các sản phẩm đồ gỗ của làng nghề mộc Canh Nậu chủ yếu sử dụng gỗ tự nhiên như Gụ, Hương, Sồi, Tần Bì, Lim Lào – Lim Nam Phi, Xoan đào, Mít, gỗ Gõ…được chế tác theo kiểu gỗ mỹ nghệ truyền thống. Nếu như trước đây các công đoạn từ pha gỗ, tạo phôi đến chạm khắc hoàn thiện đều chủ yếu được làm thủ công phụ thuộc vào sức lao động chân tay. Thì ngày nay các xưởng mộc trong làng Canh Nậu, đặc biệt là các chủ xưởng trẻ tuổi, đã mạng dạn đầu tư máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất. Vẫn còn đó những “bàn tay nghệ nhân vàng” kéo léo nhưng đã được giải phóng khỏi các công việc nặng nhọc để tập trung vào những công đoạn hoàn thiện sản phẩm cần tới độ tinh xảo cao, tạo sự khác biệt. Những nhà xưởng mới mở rộng rãi hơn, hoạt động sản xuất được bố trí bài bản góp phần nâng cao năng suất lao động.

Theo ước tính đến năm 2020, toàn xã Canh Nậu có khoảng 3.756 hộ dân với số nhân khẩu khoảng 15.456 người, trên diện tích đất tự nhiên khoảng 5,06 km2. Vì là một xã “làng nghề” với nghề chính là mộc – xây dựng, nên cả xã Canh Nậu có tới hơn 875 hộ dân làm nghề với khoảng 1.824 lao động tham gia. Bên cạnh đó là rất nhiều nhân lực khác trong làng nghề tham gia vào các hoạt động liên quan đến nghề mộc nội thất như: kinh doanh thương mại, tư vấn thiết kế thi công, nhập-cung ứng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, hoạt động vận chuyển, marketing, cung cấp tài chính,…tạo thành một hệ sinh thái làng nghề gắn kết và bổ sung chặt chẽ cho nhau.

Xem chi tiết thông tin hơn tại: làng nghề Canh Nậu

*****

4. Làng nghề mộc nội thất Dị Nậu – Thạch Thất, Hà Nội

Làng nghề mộc – xây dựng Dị Nậu chính thức được UBND tỉnh Hà Tây (cũ, nay là Hà Nội) cấp Bằng công nhận làng nghề truyền thống năm vào năm 2002. Có địa chỉ tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, nằm phía Tây Bắc cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Để đi đến làng nghề có 2 cách là đi theo đường quốc lộ 32 rẽ vào tỉnh lộ 421 – 420, hoặc đi từ đường đại lộ Thăng Long rẻ phải vào tỉnh lộ 421B rồi 420.

làng nghề mộc xây dựng Dị Nậu, Thạch Thất, Hà Nội
Bản đồ và chỉ đường đến làng nghề mộc xây dựng xã Dị Nậu, Thạch Thất, Hà Nội

Không giống Chàng Sơn là cái nôi của nghề mộc, làng Dị Nậu ban đầu có nghề xây dựng chứ không phải nghề mộc. Người làng Dị Nậu đi tứ xứ xây dựng nhà cửa cho thiên hạ rồi học và theo nghề mộc, dần dần phát triển qua nhiều thế hệ. Bởi vậy ngày nay làng Dị Nậu có 2 nghề truyền thống là mộc và nề (xây dựng).

Sản phẩm chính của làng nghề Dị Nậu là đồ mộc dân dụng, đồ gỗ giả cổ, mỹ nghệ cao cấp, khuôn cửa công trình, nhà gỗ… Trong đó tập trung nhiều vào các sản phẩm như sập, tranh, tủ chè, đồ thờ. Những năm đổi mới đến nay đời sống kinh tế đi lên, nhu cầu mua sắm nội thất và xây dựng nhà cửa nhiều thì làng nghề Dị Nậu cũng ngày một phát triển hơn. Cả xã Dị Nậu có khoảng hơn 4000 lao động thì đến gần nửa làm đồ mộc và xây dựng (bao gồm cả kinh doanh dịch vụ liên quan).

Mấy năm gần đây thành phố Hà Nội đã mở hẳn một cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu với quy mô 10ha. Tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, các xưởng và công ty tách việc sản xuất ra khỏi dân cư, vừa giảm ô nhiễm môi trường và tăng sự chuyên nghiệp, giúp làng nghề ngày càng phát triển tốt hơn.

*****

5. Làng nghề mộc nội thất Liên Hà – Đan Phượng, Hà Nội

Địa chỉ làng nghề: Làng nghề nội thất gỗ Liên Hà thuộc xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, nằm bên bờ hữu ngạn sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về phía tây. Có thể đi theo đường quốc lộ 32 khi đến thị trấn Phùng trung tâm huyện Đan Phượng, rẽ phải về phía bắc khoảng 5km ta đến làng nghề Liên Hà. Hoặc quý khách cũng có thể đi men theo dọc bờ hữu ngạn Sông Hồng từ phía cầu Thăng Long để đến làng.

Khác với nhiều làng nghề mộc khác vẫn tình trạng xưởng trong làng, xưởng trong nhà. Thì làng nghề nội thất mộc Liên Hà đã quy hoạch bài bản với hẳn một cụm sản xuất riêng độc lập, đường xá giao thông khang trang thuận tiện. Theo thông tin được biết, điểm cụm công nghiệp làng nghề mộc Liên Hà có diện tích khoảng 9.600 m2, hiện có khoảng 226 hộ tham gia hoạt động theo chu trình hiện đại, như có máy xẻ riêng, có lò sấy riêng và xưởng hoàn thiện sản phẩm. Đảm bảo cho thương hiệu gỗ Liên Hà đứng vững trên thị trường, cũng như chinh phục được người tiêu dùng trong nước.

Hiện khảng hơn 400 trong tổng số 1.600 hộ dân của xã Liên Hà tham gia làm nghề mộc, bên cạnh đó chưa kể các hộ khác làm các công đoạn trong chuỗi giá trị như bán hàng thương mại, cung cấp vật tư, nguyên liệu, phụ kiện sản xuất, vận chuyển lắp đặt,… Từ đó giúp tốc độ phát triển kinh tế của Liên Hà thay đổi rất nhanh, đời sống nhân dân ngày càng khá giả.

Sản phẩm chính của làng nghề mộc nội thất Liên Hà phải kể tới là giường ngủ, tủ quần áo, kệ tivi, bàn ghế gỗ các loại. Sử dụng nguyên liệu chính là gỗ xoan đào, lim, gội, sâng hay còng, gỗ sồi, tần bì, cao su… Sản phẩm nội thất do làng nghề mộc Liên Hà làm ra hiện được các thương lái tại Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước nhập về bán. Một số xưởng tham gia làm thô để xuất cho các làng nghề khác như Hữu Bằng – Thạch Thất. Nhiều doanh nhân trẻ năng động của làng nghề mộc nội thất Liên Hà cũng chủ động xây dựng các kênh phân phối riêng, tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng cũng như các dự án.

*****

6. Làng nghề mộc Tủ bếp Hát Môn – Phúc Thọ, Hà Nội

Khác với các làng nghề mộc tại Hà Nội khác, sản phẩm chủ lực của làng nghề mộc truyền thống Hát Môn là mặt hàng tủ bếp, bởi vậy nếu gọi là làng nghề tủ bếp Hát Môn cũng không sai. Rất nhiều cơ sở làng nghề Hát Môn chuyên nhận tư vấn, thiết kế, sản xuất và thi công lắp đặt tủ bếp. Sử dụng các nguyên liệu đa dạng từ tủ bếp gỗ tự nhiên (sồi, tần bì, xoan đào, óc chó,…) đến tủ bếp gỗ công nghiệp, tủ nhựa,… Các sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Tại làng nghề Hát Môn hiện có khoảng hơn 200 xưởng chuyên sản xuất tủ bếp lớn nhỏ, bên cạnh đó là vài chục xưởng làm các mặt hàng nội thất khác, giúp tạo công việc và thu nhập cho hơn 1000 lao động của xã cũng như các xã xung quanh.

*****

7. Làng nghề mộc đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, Vân Hà – Đông Anh

Địa chỉ : Làng thiết Úng – Xã Vân Hà – huyện Đông Anh – Hà Nội.

Làng nghề mộc Thiết Úng nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ, tạc tượng. Hiện trong làng có khoảng 95% hộ gia đình làm nghề hoặc các dịch vụ hỗ trợ trong chuỗi cung ứng, có 9 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, trong đó có 2 người được công nhận danh hiệu Bàn tay vàng. Trong làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng có khoảng 200 thợ cả có thâm niên nghề trên 20 năm, 872 thợ tham gia vào nghề chạm khắc gỗ; khoảng 100 doanh nghiệp, 4 công ty tư nhân và 1 HTX cổ phần đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài xã.

Trước đây, các sản phẩm chạm khắc gỗ của làng nghề mộc Thiết Úng được bày bán nhiều ở các phố Hàng Khay, Hàng Quạt, Hàng Trống,… Sản phẩm phổ biết là các loại khay, chén, tráp, hộp trầu, hộp đựng trang sức…hay các sản phẩm nội thất như sập gụ, tủ chè, án thư, tràng kỷ…được trạm khắc họa tiết tỉ mỉ tỉnh xảo.

Hiện nay, cùng với sự nhanh nhạy thích nghi với xu hướng thị trường, sản phẩm của làng nghề mộc Thiết Úng không chỉ là hàng mỹ nghệ mà còn phát triển thêm nhóm mặt hàng nội thất và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch.

+ Mặt hàng nội thất trang trí với các sản phẩm chính như bàn ghế (bàn ghế Âu Á, bàn ghế Minh quốc, bàn ghế rồng lùng, bàn ghế kiểu cổ, bàn ghế Lạc Việt, bàn ghế rồng đỉnh tứ linh, bàn ghế hình gốc cây…); các loại tủ ( tủ chè, tủ đựng quần áo các hình dáng khác nhau theo yêu cầu của khách, tủ ba buồng, bốn buồng…); các loại giường, bệ tủ cá, tủ bát đĩa, các loại sập…

+ Mặt hàng mỹ nghệ của làng nghề Thiết úng chủ yếu là tượng gỗ, phong phú vê chủng loại, đa dạng vê mẫu mã. Điểm đặc biệt nhất ở tượng gỗ Thiết Úng là mỗi pho tượng làm ra đều có một dáng vẻ và thần thái riêng như, đôi mắt có hồn: tượng Di lặc đứng và ngồi ở các tư thế, anh hùng tương ngộ, Phật Bà Quan âm, Tam đa, 18 vị La Hán, Đạt Ma sư tổ, thần tài lộc, cô gái Quan họ, tượng mồng tre, các linh vật…

+ Các sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch. Đây là một hướng mới kết hợp du lịch làng nghề đang được triển khai mạnh thời gian gần đây. Ngoài để du khách tham quan trải nghiệp các hoạt động sản xuất, sinh hoạt và văn hóa lịch sử thì các nghệ nhân làng Thiết Úng sáng tạo ra nhiều sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm như con giống, bút, móc khóa, lịch để bàn…để bán cho các khách du lịch. Đặc biệt, sản phẩm quà tặng bằng gỗ được khắc chữ, tên, logo hay hình ảnh bằng máy khắc hiện đại đang được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

*****

8. Làng nghề đồ gỗ Châu Phong, Liên Hà – Đông Anh

Địa chỉ: thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, tp.Hà Nội. Làng mộc thôn Châu Phong nằm trong quần thể các làng thuộc xã Liên Hà (gồm 8 thôn: Châu Phong, Giao Tác, Đại Vỹ, Phù Lỗ, Hà Phong, Hà Lỗ, Lỗ Khê, Hà Hương) chuyên sản xuất đồ gỗ với mặt hàng chủ lực là đồ gỗ mỹ nghệ.

Những sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng mộc Châu Phong được khách hàng đánh giá cao về tính thẩm mỹ và sự sang trọng. Tùy vào loại gỗ, đồ giày mỏng, độ phức tạp và tinh xảo mà mỗi sản phẩm có giá bán ở các mức khác nhau. Những mẫu bàn ghế gỗ phổ thông thường có giá rẻ ở mức 10-20 triệu, tầm trung khoảng 40-50 triệu, cá biệt có những bàn ghế có giá lên tới hơn trăm hoặc vài trăm triệu cũng có.

*****

9. Làng nghề mộc nội thất Vạn Điểm – Thường Tín, Hà Nội

Địa chỉ: Làng nghệ mộc truyền thống Vạn Điểm thuộc xã Vạn Điểm – huyện Thường Tín – Hà Nội. Từ nội thành có thể xuất phát từ Pháp Vân theo đường quốc lộ 1A cũ hoặc đi đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ để tới.

Tại làng nghệ mộc Vạn Điểm (gọi là làng nghề nhưng có thể coi là xã nghề) hiện có khoảng 2.000 hộ gia đình, trong đó 70% số hộ gia đình làm nghề mộc, là nghề chính của xã, đóng góp 70% tổng thu nhập toàn xã. Cũng giống như các làng nghề mộc khác, mỗi hộ gia đình hay doanh nghiệp trong làng tham gia vào một công đoạn khác nhau, hình thành một chuỗi liên kết kinh tế chặt chẽ. Trong đó việc cung ứng nguồn nguyên liệu gỗ, máy móc thiết bị, vật tư…được thực hiện bởi các doanh nghiệp. Các nhà xưởng tham gia xẻ, pha chế, làm thô thành phẩm… Một số xưởng khác tham gia làm hàng tinh hoàn thiện. Cuối cùng sản phẩm làm ra được xuất tới các cửa hàng trong xã để giới thiệu cho khách hàng, xuất đi các tỉnh thành. Không chỉ các hộ dân trong xã mà các hộ dân, xưởng và công ty khác ở các xã lân cận cũng góp phần tham gia vào chuỗi sản xuất này của làng nghề.

Theo ước tính tại làng nghề mộc Vạn Điểm có khoảng 340 hộ gia đình vừa sản xuất chế biến và kết hợp kinh doanh sản phẩm gỗ nội thất. Một số hộ vừa có xưởng sản xuất vừa có cửa hàng giới thiệu bán sản phẩm. Tại làng có khoảng 8-9 doanh nghiệp tham gia thị trường cung cấp nguyên liệu gỗ, có khoảng 15 hộ gia đình làm nghề xẻ gia công cho các cơ sở sản xuất của làng nghề Vạn Điểm. Trong làng cũng có khoảng có 22 xưởng sơn, nhưng chỉ khoảng 5-6 hộ gia đình đầu tư để mở xưởng sơn gia công. Về mặt thương mại, trong làng có khoảng 50 hộ gia đình làm nghề kinh doanh, nhiều hộ đã thành lập công ty và mở những showroom trưng bày khá lớn để giới thiệu hàng hóa.

Khác với một số làng nghề mộc tại Hà Nội khác thường sản xuất gần như mọi thứ (Hữu Bằng) thì làng nghề mộc Vạn Điểm lại có tính chuyên biệt cao, đi sâu vào các dòng nội thất gỗ mỹ nghệ. Theo thống kê, sản phẩm chủ lực của làng Vạn Điểm là bàn ghế gỗ, chiếm đến 80%, tiếp đến là đồ thờ 10%, còn lại là giường, tủ và kệ tivi chiếm 10% tổng lượng hàng hóa làm ra.

Sản phẩm của làng nghề chủ yếu được làm từ các loại gỗ như hương, cẩm lai, mun, gõ đỏ (chiếm đến 90% tổng số gỗ nguyên liệu sử dụng), gỗ gụ chiếm khoảng 10%, còn lại là số lượng ít các loại gỗ khác như còng, dầu, trắc

*****

10. Làng nghề mộc nội thất Định Quán – Thường Tín, Hà Nội

Làng nghề điêu khắc, mộc dân dụng Định Quán, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống năm 2001. Theo các cụ cao liên trong làng kể lại nghề trạm trổ của làng có từ lâu đời, xuất phát từ bàn tay khéo léo của những người thợ, nghề được truyền từ đời này sang đời khác.

Sản phẩm điêu khắc của làng nghề mộc Định Quán có đường nét tinh xảo, giá trị kinh tế cao, có thể dùng để trưng bày, trang trí nội thất. Hiện nay mặt hàng chủ yếu là tượng Phúc Lộc Thọ, Phật Di lặc, tượng con rồng, các linh vật…phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (Trung Quốc, Đài Loan).

Các xưởng sản xuất đồ gỗ điêu khắc của làng nghề ngày nay đã đầu tư nhiều công nghệ mới vào sản xuất để giảm sức lao động và tăng năng suất. Điển hiện là các loại máy khắc CNC vi tính, máy cưa, khoét, mài, đánh bóng…giải phóng nhiều sức lao động để người thợ tập trung hơn vào những công đoạn mang tính tỉ mỉ tinh xảo.

*****

11. Làng nghề mộc nội thất Chanh Thôn – Phú Xuyên, Hà Nội

Địa chỉ: Làng nghề mộc Chanh Thôn thuộc xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội được cấp Bằng chứng nhận làng nghề truyền thống từ năm 2003. Làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm gỗ mỹ nghệ tinh xảo được truyền qua nhiều thế hệ.

Trước đây làng mộc Chanh Thôn chủ yếu sản xuất những sản phẩm nội thất gia dụng như bàn ghế, giường, tủ, kệ tivi… Tuy nhiên sản phẩm ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm nội thất từ các làng nghề khác, bởi vậy rất nhiều cơ sở sản xuất của làng Chanh Thôn đã nhanh nhạy chuyển đổi và mở rộng sang lĩnh vực mộc xây dựng nhằm tận dụng thời cơ từ nhu cầu xây dựng ngày một tăng cao. Các sản phẩm chính của làng nghề mộc Chanh Thôn có thể kể tới như khuôn cửa, cầu thang, tay vịn…

Cả làng có khoảng 400 hộ thì có tới gần 200 hộ làm nghề chế biến gỗ, hơn 100 hỗ đã đầu tư nhà xưởng với máy móc hiện đại hỗ trợ sản xuất, giải phóng dần sức lao động chân tay ở nhiều công đoạn, từ đó những thợ giỏi có thời gian hơn vào chăm chút các đường nét tinh xảo, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm và cả năng suất lao động. Những người trẻ ở làng mộc Chanh Thôn ngày càng dám nghĩ dám làm, đầu tư sản xuất, nghiên cứu phát triển thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi vậy bộ mặt làng nghề thay đổi từng ngày, nhà cao cửa rộng mọc lên như nấm.

*****

12. Làng nghề mộc nội thất Đồng Phố – huyện Phú Xuyên

Làng nghề mộc truyền thống Đồng Phố thuộc huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Làng có khoảng 776 hộ với 3020 nhân khẩu, bây giờ làng Đồng Phố đã có tới 80% số hộ làm nghề sản xuất đồ gỗ dân dụng. Các hộ liên liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh, giúp nhau mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho cho cả làng.

Các mặt hàng chính của làng nghề mộc Đồng Phố có thể chia thành 2 cấp độ. Gồm các sản phẩm đồ gỗ dân dụng như bàn, ghế, giường, tủ, các loại đồ thờ…được sản xuất khá phong phú bởi các hộ gia đình, các xưởng. Bên cạnh đó một số hộ kinh doanh có điều kiện về kinh tế đầu tư sản xuất các mặt hàng cao cấp như tủ chè, sập gụ, các bộ bàn ghế minh quốc, minh đào, thái sư, thái phượng… được khảm trai long lanh trị giá đến vài chục triệu và có loại hàng trăm triệu đồng.

*****

13. Làng nghề mộc Thượng Mạo, Phú Lương – Hà Đông

Địa chỉ: Làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Để tìm về làng nghề, quý khách có thể di chuyển từ trục đường Nguyễn Trãi – Quang Trung (quốc lộ 6) đến ngã 3 Bala rẽ trái đi thêm khoảng hơn 1,5km gần hết phố Xốm, khu làng nghề ở bên tay trái.

làng nghề mộc Thượng Mạo - Phú Lương - Hà Đông - Hà Nội
Hình ảnh và bản đồ chỉ đường đến làng nghề mộc Thượng Mạo – Phú Lương – Hà Đông – Hà Nội

Sản phẩm chính của làng nghề gỗ truyền thống Thượng Mạo gồm các đồ nội thất truyền thống như giường ngủ, tủ quần áo, kệ tivi, cửa gỗ, cầu thang,… Đến các sản phẩm gỗ mỹ nghệ trạm khắc có độ tinh xảo cao trong xây dựng đình đền, chùa, nhà thờ, nhà cổ, nhà gỗ… Nhiều công trình do chính những người thợ làng Thượng Mạo thiết kế thi công như: đình làng Đơ, đình Khương Thượng, đình Đông Lao, đình Văn Phú, đình Khê Tang, đình làng Thượng Mạo… vẫn vẹn nguyên giá trị.

*****

14. Làng Nghề Áng Phao – Thanh Oai, Hà Nội

Địa chỉ: Làng nghề Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Sản phẩm của làng mộc Áng Phao khá đa dạng với các đồ mộc gia dụng như bàn, ghế, sập, tủ… Nhưng khác với các làng nghề mộc tại Hà Nội khác, sản phẩm đặc biệt nhất của làng nghề Ánh Phao lại là các công trình nhà gỗ, nhà cổ, nhà thờ họ. Làng có 700 hộ dân thì có tới 50% hộ theo nghề mộc. Hiện nay, làng nghề có khoảng 30 xưởng sản xuất có quy mô lớn, thu hút hàng trăm lao động của địa phương.

*****

Kết Luận

Trên đây TOPnoithat đã giới thiệu sơ lược thông tin của hơn 10 làng nghề mộc tại Hà Nội. Một số làng nghề chúng tôi có những bài viết chi tiết giới thiệu riêng và đã để link đính kèm. Quý khách cần tìm hiểu kỹ hơn có thể xem cụ thể các bài viết đó để có nhiều thông tin hữu ích chuyên sâu.

Nhìn chung mỗi làng nghề mộc tại Hà Nội lại có những thế mạnh và tập trung vào những sản phẩm chủ lực riêng. Để nhập hàng quý khách nên về trực tiếp tận làng nghề, vào từng xưởng sản xuất để tìm hiểu thông tin.

TOPnoithat viết bài một cách khách quan, vừa nhằm mục đích quảng bá các làng nghề mộc nội thất, vừa muốn giới thiệu nguồn nhập hàng/kênh mua sắm nội thất tốt cho khách hàng và các đơn vị kinh doanh nội thất.

Hy vọng bài viết hữu ích với quý vị!

Bài viết liên quan