Một Số Kinh Nghiệm Cắm Trại Ba Vì Từ A->Z Và Lịch Trình Tham

Vườn quốc gia Ba Vì là một địa điểm được nhiều người dân thủ đô biết tới như một lá phổi xanh của thành phố với không khí trong lành ở độ cao hơn 1100m. Không xa Hà Nội, Ba Vì đã trở thành khu du lịch nổi tiếng tại thủ đô và rất phù hợp để mọi người đưa nhau “đi trốn” khỏi nơi trung tâm thành phố ngột ngạt xô bồ. Bài viết này sẽ hướng dẫn kinh nghiệm cắm trại ở Ba Vì cho các bạn.

Làm thế nào để tới Ba Vì?

Với khoảng cách gần 60km, từ trung tâm Hà Nội chúng ta có tới 3 đường di chuyển để tới vườn quốc gia Ba Vì bằng xe máy/ô tô tự lái:

Hướng 1: Xuất phát từ ngã tư Big C Thăng Long, thẳng hướng đại lộ Thăng Long đi Láng – Hoà Lạc và rẽ trái khi đi qua chợ Tam Mỹ (đường màu xanh trong bản đồ). Đây là đường ngắn nhất cho bạn nào ở các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Giáp Bát… Ưu điểm: Đường đẹp, chạy bon bon ít cảnh sát giao thông. Nhược điểm là trên đường không có chỗ nào chơi, trạm dừng nghỉ.

Hướng 2: Xuất phát từ đại học Sư Phạm Hà Nội, chạy thẳng đường 32 qua thị xã Sơn Tây rồi rẽ theo hướng đi Chùa Thông, phù hợp với bạn nào ở phía Phạm Văn Đồng, quận Tây Hồ,…

Hướng 3: Cùng điểm xuất phát hướng 1 nhưng không chạy hết đại lộ Thăng Long mà rẽ vào Thạch Thất, đi qua thị xã Sơn Tây và đi theo hướng chùa Thông như hướng 2.

Sơ đồ đường đi

Tại sao tôi lại liệt kê tận 3 hướng như vậy cho các bạn? Tôi sẽ giải thích ở phần lịch trình gợi ý nhé.

Lưu ý: Các bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô đều được, vì khoảng cách gần và đường khá dễ đi. Nhưng với bạn nào đi xe máy thì tôi khuyên bạn không nên đi xe ga nhé, lúc lên dốc đèo ở vườn quốc gia Ba Vì thì okay thôi nhưng lúc xuống nếu không cẩn thận các bạn có thể làm cháy phanh và dễ gặp tai nạn. Chú ý với các xe ô tô khách lớn hơn 30 chỗ thì chỉ được lên đến cốt 400m, từ cốt 400m trở lên cấm không được lên.

Với những bạn nào đi xe bus, các bạn có thể di chuyển ra bến xe Mỹ Đình, bắt xe bus số 74 với 48 lượt/ngày, giá vé 9k đến Xuân Khanh. Từ đây các bạn có thể bắt taxi/xe ôm để tới vườn quốc gia Ba Vì. Nếu bạn đi từ bến xe Yên Nghĩa thì có thể bắt chuyến 214 đi Xuân Khanh cũng ổn. Ngoài ra thì các bạn có thể lựa chọn điểm tới là bến xe Sơn Tây (từ Mỹ Đình có chuyến 71, giá vé 20k/người) và sau đó bắt thêm bus tuyến 79 từ bến xe Sơn Tây đến Đá Chông (30p/chuyến, giá vé 10k/người).

Nên đi Ba Vì vào lúc nào?

Vườn quốc gia Ba Vì quanh năm mát mẻ, mùa đông sẽ hơi lạnh 1 chút nhưng mùa nào bạn cũng có thể tới Ba Vì du lịch.

Mùa xuân: Tới Ba Vì bạn sẽ được chiêm ngưỡng những loài hoa nở, hoa lan mọc đầy trên các nhánh cây cổ thụ. Ngoài ra bạn cũng có thể thấy được những lớp chồi lá non màu đỏ tía đang đua nhau mọc thay cho lớp lá già cội đã rụng hết.

Cây thay lá mới

Mùa hè: Lý do tới đây vào mùa hè chính là đi tránh nóng. Giữa bóng cây rừng cao vút bạn sẽ cảm nhận được không khí mát lạnh trong lành, đắm mình vào màu xanh ngắt của rừng và thiên nhiên mà cái nắng chói chang của hè Hà Nội sẽ không chạm tới được bạn.

Mùa thu: Vào mùa dã quỳ tàm tháng 10, tháng 11, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những đồi hoa vàng rực rỡ, hoa mọc hai bên đường đi khiến chúng ta cũng phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của chúng.

(Ảnh: Sưu tầm)

Mùa đông: Nếu may mắn, bạn có thể sẽ ngắm được cảnh tuyết rơi trên đền Thượng (một hiện tượng thiên nhiên hiếm lạ ở Việt Nam).

(Ảnh: Sưu tầm)

Mỗi mùa vườn quốc gia Ba Vì lại có một vẻ đẹp riêng, tuy nhiên, thời điểm thuận lợi nhất bạn nên đi là từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, lúc này thời tiết Ba Vì rất dễ chịu, không có mây mù, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành yên tĩnh đặc biệt phù hợp với các buổi cắm trại dã ngoại ngoài trời.

Các chi phí dịch vụ ở Ba Vì

Bạn sẽ phải mất một số chi phí nếu muốn vào vườn quốc gia Ba Vì chơi. Dưới đây tôi sẽ liệt kê các chi phí để các bạn tham khảo khi đi cắm trại Ba Vì.

  • Vé vào cổng: 60k/người. Sinh viên 20k/người. Học sinh 10k/người (Nhớ mang thẻ học sinh, sinh viên nếu có nhé).
  • Vé gửi xe ô tô >10 chỗ: 25k/lượt.
  • Vé gửi xe ô tô <10 chỗ: 20k/lượt.
  • Vé gửi xe máy cốt 400: 3k/lượt.
  • Vé gửi xe máy cốt 1100: 3k/lượt.
  • Vé gửi xe đạp: 2k/lượt.

Ngoài ra với kinh nghiệm đi cắm trại Ba Vì, các bạn sẽ mất thêm một số chi phí mà tôi sẽ lý giải ở phần kinh nghiệm cắm trại ba vì.

  • Phí vệ sinh ở nhà thờ đổ: 20k/nhóm.
  • Thuê bạt để ngồi: 30k/bạt.
  • Nếu bạn cắm trại ở rừng thông tư nhân: 20k/người.
  • Vào vườn xương rồng: 10k/người.
  • Thuê bếp nướng:

Giá vé dịch vụ khác:

  • Giá nhà nghỉ: tầm 850k/phòng hoặc cao hơn. Tại Ba Vì có một số resort cho thuê phòng nghỉ và giá cả cũng không rẻ lắm. Nếu bạn thích đi nghỉ dưỡng thì có thể lựa chọn một số các resort như Le Mont, nhà N06 Ba Vì resort, trang trại đồng quê…
  • Nhà sàn dành cho sinh viên: 1500k – 2000k/nhà.
  • Lửa trại: 1000k – 1500k.
  • Thuê lều trại: 120k – 200k/lều.
  • Hội trường: 2000k – 4000k/ngày.
  • Xe trung chuyển: 70k/người/khứ hồi.
  • Giá vé chụp ảnh dịch vụ (ảnh cưới, ảnh kỷ yếu,…): 600k/vé.
  • Phí thuê hướng dẫn viên: 300k – 500k/người.

Ở Ba Vì tham quan những nơi nào?

Ở Ba Vì có rất nhiều địa điểm thăm quan, nếu muốn khám phá hết bạn cũng mất ít nhất 2 ngày. Tôi sẽ sắp xếp các điểm tham quan từ cổng vào theo danh sách dưới đây dành cho những bạn muốn tìm hiểu kinh nghiệm cắm trại Ba Vì.

1. Đền Bà Đá Đen: Đây là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Ba Vì, thờ cúng bà Chúa Thượng Ngàn chính là mẹ Đức Thánh Tản nên cũng gọi là đền thờ Mẹ.

2. Đền cô Sáu: Nằm ở phía tay phải khi bạn đi từ cổng vào qua đền Bà Đá Đen, cũng là một nơi du lịch tâm linh.

3. Khu du lịch hồ Tiên Sa: Có một đường nhánh rẽ phải nằm trên trục đường chính dẫn lên đỉnh núi Tản, đây chính là lối để rẽ vào hồ Tiên Sa. Đi chừng 1-2 km bạn sẽ thấy cổng chào Hồ Tiên Sa rất to. Tại đây có rất nhiều hoạt động vui chơi như câu cá ở các nhà nổi trên hồ hay đi thuyền du lịch vòng quanh hồ.

4. Vườn xương rồng: hay còn gọi là nhà kính xương rồng. Nơi đây sở hữu hơn một nghìn loại xương rồng khác nhau, rất đa dạng và phong phú được trồng thành vườn trong một nhà kính có mái vòm độc đáo. Tuy nhiên, khu vườn không được chăm sóc thường xuyên nên đã bị xuống cấp nhiều, mái vòm kính nhiều ô còn bị gãy hay bể, nhiều giống cây đã khô héo hoặc chết. Nếu bạn tò mò cũng có thể ghé qua, nhưng sẽ mất 10k/người (đã đề cập ở phần chi phí dịch vụ). Nơi đây cũng là background tạo ra hàng trăm bức ảnh sống ảo của các bạn trẻ :D. Lối vào vườn xương rồng cũng là lối vào rừng thông, nhưng đây là rừng thông tư nhân và bạn sẽ phải mất tiền nếu muốn vào cắm trại (20k/người). Cá nhân tôi thấy nó không đẹp bằng rừng thông ở nhà N06.

Vườn xương rồng quốc gia

Bên ngoài nhà kính

5. Nhà N06 Ba Vì Resort: Toạ lạc ngay trên con đường nhựa nhỏ dẫn lên đền Thượng, đây chính là cốt 400m (điểm dừng gửi xe đầu tiên nếu bạn mua vé gửi xe tại đây, đây cũng chính là điểm dừng chân cuối của xe khách trên 30 chỗ vào vườn quốc gia Ba Vì). Resort này nằm tại rừng thông Ba Vì khá đẹp, đây cũng là một chỗ mà nhiều bạn chọn để cắm trại.

Khu đất trống để cắm trại ở nhà N06

Rừng thông

6. Nhà thờ cổ Pháp: hay còn gọi là nhà thờ đổ với dân phượt, đây chính là một điểm hạ trại lý tưởng cho các bạn. Có kiến trúc cổ thời Pháp, nhà thờ nằm im lìm dưới những gốc cây cổ thụ bây giờ chỉ còn là phế tích sau chiến tranh với bốn bức tường và dây leo, rêu xanh cùng cây dại bám bên trên. Để đi tới đây các bạn chạy thẳng dọc con đường nhựa lên đền Thượng sẽ thấy một biển báo Khu trại hè thời Pháp màu vàng bên tay trái, đi qua biển báo đó 1 đoạn nữa các bạn sẽ thấy có lối rẽ nhỏ dốc lên cao bên tay trái, đây chính là đường lên nhà nhờ đổ.

Nhà thờ Pháp cổ

Cây trước nhà thờ

Ngôi nhà bỏ hoang

7. Đền Thượng – đền thờ Bác Hồ – tháp Báo Thiên: Hầu hết ai đi vườn quốc gia Ba Vì đều sẽ ghé thăm những nơi này. Đây gần như là biểu tượng của núi Ba Vì. Để tới được đây các bạn chạy thẳng theo đường mòn nhựa trong rừng, qua các khúc cua tay áo dốc cao, càng lên tới đỉnh đường càng dễ sạt lở và xấu. Khi lên tới cốt 1100m, các bạn sẽ gửi xe ở đây và đi bộ. Cốt nằm giữa núi vua và đền Thượng, vì vậy bạn có thể chọn đi đền Thượng trước rồi leo đền thờ Bác Hồ và tháp Báo Thiên bên núi Vua sau hoặc ngược lại. Đường lên đền Thượng là những bậc thang dốc và cao nhưng thời gian leo thì không tốn mấy, chừng chưa tới 1h đồng hồ bạn đã leo tới đền Mẫu. Tại đây có một đường nhỏ rẽ xuống đi tiếp để nhìn ra quang cảnh xung quanh. Đường lên đền thờ Bác Hồ và tháp Báo Thiên thì dài hơn hơn, bạn sẽ mất chừng 1-2h để leo lên tới đỉnh, tuy nhiên đường thoải hơn và không dốc như đền Thượng.

Cổng vào đền Thượng

Dốc cao

Nhìn thấy tháp Báo Thiên bồng bềnh trong mây từ đền Mẫu

Cổng vào đền thờ Bác Hồ và tháp Báo Thiên

Ba Vì ăn gì và ở đâu?

Ba Vì là vùng đất vừa có núi non, sông nước, lại có nhiều suối và ao hồ nên có rất nhiều đặc sản nổi tiếng:

  • Cơm lam muối vừng.
  • Xôi nếp nương.
  • Cá sông: cá nheo sông Đà, cá ngạnh.
  • Lợn rừng.
  • Gà ta/ri.
  • Cua đồng.
  • Măng núi.
  • Rau: rau lang, rau ngót, rau sắng,…

Các nhà hàng ở Ba Vì:

  • Nhà hàng Xạ Hương (nằm ngay trong nhà N06 Ba Vì resort), chuyên phục vụ các món đặc sản núi rừng và sông.
  • Nhà hàng Lá Cọ (không nằm trong vườn quốc gia Ba Vì mà cách đó hơn 3km), chuyên các loại thịt thú rừng, ốc, ếch, rau sạch,…
  • Nhà hàng khách sạn ao vua nằm trong khu du lịch Ao Vua, cách vườn quốc gia Ba Vì 4km. Du khách cũng có thể kết hợp đi chơi ở khu du lịch Ao Vua.
  • Nhà hàng Suối Tiên, nằm trong khu du lịch Khoang Xanh – Suối Tiên, cách cổng vào vườn quốc gia tầm 8km.

Kinh nghiệm cắm trại Ba Vì

Công tác chuẩn bị và vật dụng cần mang theo:

Trước tiên bạn cần xác định mục đích chuyến đi của bạn. Nếu bạn muốn một chuyến đi có thể tham quan được hết tất cả các địa điểm tại Ba Vì, thì việc bạn sẽ phải bỏ qua thời gian ăn uống và nghỉ ngơi là điều tất nhiên. Tuy nhiên thì tôi thấy Ba Vì rất hợp để đi cắm trại nhóm đông người, nên tập trung chọn vài điểm nổi bật để tham quan, tiết kiệm thời gian cho việc cắm trại và nướng bbq. Vì vậy tôi sẽ đưa ra một danh sách các vật dụng cần thiết chuẩn bị giúp cho chuyến đi cắm trại Ba Vì của các bạn trở nên thú vị hơn.

  • Bếp nướng than hoa: đây là vật không thể thiếu trong các buổi dã ngoại ngoài trời. Với kinh nghiệm cắm trại Ba Vì, tôi dùng một loại bếp khá gọn nhẹ, xách theo dễ dàng mà lại còn có “giao diện” vô cùng đẹp. Bạn cũng có thể thuê bếp nướng tại đây với giá rất phải chăng mà lại vô cùng tiện dụng, không mất công xách lỉnh kỉnh.

Bếp nướng than hoa super gọn nhẹ

  • Than hoa: không thể thiếu trong phi vụ nướng đồ được rồi.
  • Cồn khô/thạch: Bạn nên chuẩn bị một ít cồn khô hoặc cồn thạch để gầy than nhanh hơn.
  • Thảm: để trải trên nền đất khi các bạn ngồi ăn hoặc ngồi chơi, đây cũng là một vật dụng không thể thiếu khi đi dã ngoại. Bạn cũng có thể dùng bạt để thay thế, tuy nhiên, bạt thường không có độ êm ái như thảm khi ngồi trên địa hình gập gềnh có nhiều đá dăm, bên cạnh đó cũng không cách nhiệt tốt như thảm.
  • Đồ ăn: cái này là bắt-buộc-phải-có khi đi cắm trại dã ngoại rồi. Bạn không thể nướng thịt mà không có thịt được :)) Bạn có thể tự chuẩn bị sẵn ở nhà hoặc mua ở chợ ngay dưới chân núi cũng khá tươi và rẻ.

Thịt lợn nướng dải

  • Bát đũa dùng 1 lần: mang theo đủ số lượng, không nên mang nhiều, tránh xả rác gây ô nhiễm môi trường và đồ nhựa dùng một lần cũng không tốt cho sức khoẻ.
  • Nước để dùng cho thời gian dã ngoại. Các bạn có thể mang theo chai nước 1,5L hoặc 5L tuỳ điều kiện. Với tôi thì tôi dùng túi đựng nước nhựa có vòi, dung tích lên đến 10L, khi dùng hết có thể gấp gọn lại, không chiếm diện tích sử dụng.
  • Lều và túi ngủ: Hiện nay Ba Vì chỉ cho cắm trại ở khu vực Rừng thông với giá khoảng 50k/ người. Hãy tranh thủ trải nghiệm cảm giác thú vị này khi còn có thể. Cắm trại ngoài trời, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác đốt lửa sưởi ấm vào buổi đêm khi sương xuống mịt mù như một tấm màn khổng lồ; Hay vươn vai đón ánh nắng bình minh trong tiếng chim hót veo von và hít vào thật sâu từng ngụm không khí trong lành thanh khiết hiếm có. Và đã cắm trại thì không thể thiếu lều hoặc túi ngủ. Bạn có thể tham khảo một số mẫu lều/túi ngủ sau:

Ngoài ra, nếu có điều kiện, các bạn có thể mang thêm các thứ sau, sẽ rất tiện ích khi đi dã ngoại:

  • Bếp cồn dã ngoại: Bếp nhỏ, gọn có thể cầm bằng một tay, có phần lá inox bên ngoài để che gió, đảm bảo lửa không tắt được. Bếp chắc chắn, giá đỡ 3 chân gắn liền vào dưới đáy, để giữ nồi rất ổn. Bạn có thể mua chiếc bếp cồn này cũng như các vật dụng tiện ích khác TẠI ĐÂY nhé.

Dùng bếp ga luộc ngô, chín nhanh vô cùng

  • Bộ nồi dã ngoại: Bộ nồi phù hợp cho việc nấu ăn ngoài trời, bạn có tráng trứng, luộc rau, xào đồ ăn,… và nấu mì tôm nữa. Ngoài ra bạn có thể dùng để đun nước để pha cafe rồi thưởng thức một sớm bình mình tại núi rừng với ly cafe nóng hổi thơm ngào ngạt. Bộ nồi còn có thêm 2 bát nhựa, một muôi nhựa có thể gấp gọn phần chuôi, một thìa gỗ để xào nấu và một miếng xơ mướp để rửa bát. Thật là tiện lợi vô cùng. Bạn có thể mua bộ nồi dã ngoại này TẠI ĐÂY nhé.

  • Bộ bàn ghế dã ngoại nhỏ gọn: bàn ghế khi gấp gọn chiếm diện tích rất ít trong ba lô, khi bung ra xếp thành bàn và ghế ngồi rất chắc chắn, có thể dùng để ngồi ăn ngoài trời, đi câu cá hoặc ngồi uống cafe bằng chúng cũng rất tuyệt. Bạn có thể tham khảo bộ bàn ghế này tại đây:

Địa điểm cắm trại:

Vườn Quốc Gia Ba Vì có rất nhiều địa điểm để cắm trại với nhóm đông người. Dưới đây tôi sẽ liệt kê một số nơi phù hợp cùng ưu và khuyết điểm của mỗi địa điểm:

  • Rừng thông ở Ba Vì resort (nhà N06): Với nền đất thoai thoải dốc, bạn sẽ dễ dàng kiếm được một chỗ rộng rãi để hạ trại giữa những cây thông mọc sát nhau. Chỗ này khá yên tĩnh tuy nhiên có một điểm trừ đó là các bạn k được đốt lửa ở đây. Vì thế nên rừng thông chỉ phù hợp để cắm trại buổi trưa và cũng rất hạn chế về việc lựa chọn đồ ăn cho buổi dã ngoại. Bạn chỉ có thể mang bánh mỳ, xúc xích, các đồ ăn sẵn theo. Ở rừng thông này bạn muốn cắm trại ở bất cứ chỗ nào cũng được, sẽ không ai thu phí của bạn. Đối diện rừng thông là phía bên nhà hàng Xạ Hương và Ba Vì resort có một bãi đất trống xanh cỏ khá đẹp, tôi cũng thấy có nhiều lều trại được dựng ở đây nhưng không biết có phải mất phí gì không.
  • Rừng thông tư nhân ở vườn Xương Rồng đi vào: không được đẹp bằng rừng thông ở chỗ resort, tuy nhiên bạn có thể cắm trại qua đêm, được đốt lửa. Chi phí vào là 20k/người, có sẵn dịch vụ cho thuê lều bạt và đốt lửa trại.
  • Hồ Tiên Sa: nằm ngay đoạn đầu cửa vườn quốc gia Ba Vì sẽ có một chỗ rẽ vào hồ. Nếu các bạn đi thẳng lên đền Thượng thì cũng sẽ thấy mặt hồ lấp ló phía xa. Buổi tối khu du lịch hồ Tiên Sa cũng có chương trình đốt lửa trại nên nếu bạn cắm trại ở chỗ này có thể tham gia vui chơi.
  • Nhà thờ cổ Pháp: Xung quanh nhà thờ có một số các bãi đất trống rất phù hợp để hạ trại. Nếu bạn cắm trại vào buổi tối thì bạn có thể hạ trại ngay trên đường đi lại vì nhà thờ là vào đoạn đường cụt và rất ít xe cộ đi lại qua đây. Tuy nhiên thì bây giờ có vẻ như nhà thờ đổ không còn được cắm trại vào ban đêm nữa, nhưng các bạn vẫn có thể thử “trốn” ở lại và cắm, buổi tối sẽ không có ai kiểm tra đâu. Khuyết điểm ở đây là vào cuối tuần thì chỗ này khá đông đúc các bạn trẻ nên sẽ ồn ào, và bạn sẽ khó kiếm nổi một chỗ hạ trại lý tưởng. Như kinh nghiệm cắm trại Ba Vì của tôi thì khi lên tới đây tôi đã không cắm ở ngay bên cạnh nhà thờ mà đi quá lên một tẹo sẽ có một bãi đất trống ngay bên lề đường rộng đủ để dựng 2 cái lều và trải một tấm bạt ở giữa. Xe cộ thì các bạn để gọn vào ngay cạnh gốc cây để tiện trông và bảo quản cũng như đồ đạc.
  • 1 số chòi bỏ hoang trên đường: Khi chúng tôi chạy xe trên đường có thấy một vài chòi bỏ hoang cùng một khoảng rộng bê tông bên cạnh đoạn từ nhà thờ đổ lên đền Thượng, khá phù hợp cho việc hạ trại. Ưu điểm ở chỗ này là nếu bạn dựng lều ở đây và trời mưa trong khi lều của bạn không chống nước được nhiều, bạn có thể chui vô chòi tránh mưa :D.

Cách gầy than và dùng bếp nướng than hoa:

Việc gầy than là một kỹ năng cần thiết khi đi dã ngoại mà chúng ta phải học. Tôi đã thấy nhiều bạn mang kiểu một bao than củi, một cái bật lửa và hì hụi kiếm giấy/củi đốt rồi vất vô đống than và trông chờ chúng nó tự hồng rực lên. Việc đó rất mất thời gian và tôi đảm bảo là đống than của bạn sẽ khó có thể cháy lên được.

Nếu muốn làm than củi/hoa cháy được nhanh chóng, các bạn nên làm theo các bước sau:

  1. Kiếm vài viên gạch quây lại trên nền đất.
  2. Đặt các thanh củi nhỏ và khô lên trên các viên gạch vừa xếp để tạo thành một khung gỗ.
  3. Nhét cồn khô/thạch vào bên dưới khung gỗ.
  4. Đặt than hoa lên trên lớp củi vừa xếp.
  5. Châm lửa vô cồn và ngồi quạt cho than mau cháy.

Rất may là chỗ chúng tôi chọn lại có vài hố lõm xuống, điều đó sẽ giúp chúng tôi không phải đặt gạch để tạo khung. Việc tạo khung để làm gì? Nó sẽ giúp cho đống than của bạn có không khí lưu thông và như thế lửa sẽ cháy được lâu hơn mà không sợ bị tắt. Bạn có thể xem một số hình bên dưới để hiểu rõ hơn:

Bước 1 & 2 – Xếp củi tạo thành khung gỗ trên bề mặt hố

Bước 3 & 4 – Xếp than hoa lên trên lớp củi, cồn thạch đặt ở dưới, để tạo khe hở

Bước 5 – Lửa cháy rồi

Xếp than vào bếp nướng và cho cồn khô vào duy trì lửa cháy ở thời gian đầu

Cho thịt lên khay nướng thôi nào

Luộc ngô bằng bếp ga dã ngoại trong khi chờ thịt chín

Ngô chín rồi

Đồ ăn tới rồi

Hoa quả đã gọt xong

Bữa cơm đã sẵn sàng

Gợi ý lịch trình cắm trại Ba Vì

Đây chỉ là lịch trình tham khảo, các bạn có thể tuỳ chọn điểm đến và thời gian để có thể phù hợp với chuyến đi của mình nhất.

Lịch trình cắm trại Ba Vì 1 ngày không qua đêm

Lựa chọn 1: Không nướng thịt ăn trưa.

  • 8h xuất phát từ trung tâm Hà Nội.
  • 9h mua vé vào cổng vườn quốc gia, ghé qua vườn Xương Rồng.
  • 9h30 xuất phát chạy tới đền Thượng, leo đền Thượng mất hơn 1h.
  • 11h kém quay lại cốt 1100m, ăn nhẹ tại quán hoặc đồ ăn mang theo.
  • 1h bắt đầu leo đền thờ Bác Hồ và tháp Báo Thiên.
  • 3h quay trở lại cốt 1100m, chạy ngược lại rẽ vào nhà thờ Pháp cổ thăm quan.
  • 3h30 chạy về cốt 400m, tham quan rừng thông, nhà N06 Ba Vì resort.
  • 4h ghé qua hồ Tiên Sa.
  • 5h xuất phát về Hà Nội.

Lựa chọn 2: Mang theo thịt nướng ăn trưa (cái này vui hơn ạ).

  • 7h xuất phát từ trung tâm Hà Nội.
  • 8h tới nơi, mua vé vào cổng vườn quốc gia Ba Vì rồi chạy thẳng lên cốt 1100m.
  • 8h 30 bắt đầu leo đền Thượng.
  • 9h 30 quay trở lại leo đền thờ Bác Hồ và tháp Báo Thiên (ai không thích có thể bỏ qua option này ạ).
  • 11h 30 từ cốt 1100m quay về nhà thờ Pháp cổ. Tại đây dựng trại, gầy than nướng thịt, chuẩn bị bữa trưa (xem kinh nghiệm cắm trại Ba Vì phía trên).
  • 12h30 ăn bbq và nghỉ ngơi.
  • 2h chiều quay về khu rừng thông, cốt 400m chơi và tham quan.
  • 2h 30 quay ra vườn Xương Rồng tham quan.
  • 3h quay về hồ Tiên Sa ngó nghiêng.
  • 4h xuất phát về Hà Nội.

Lịch trình cắm trại Ba Vì 1 ngày qua đêm

Nếu các bạn muốn thay đổi không khí bằng một bữa barbeque ngoài trời và muốn có thật nhiều thời gian bên bạn bè của mình, không có gì tốt hơn là một buổi tối nướng thịt dã ngoại. Ở đây tôi sẽ gợi ý một lịch trình xuất phát từ chiều hôm trước, cắm trại qua đêm và về vào sáng hôm sau với những bạn nào không có nhiều thời gian.

Chiều ngày 0: 1h xuất phát từ trung tâm Hà Nội, tới vườn quốc gia tầm 2h hơn.

  • 2h – 3h đi tham quan các điểm muốn đi như rừng thông, vườn xương rồng, đồi hoa dã quỳ (nếu vào mùa hoa)…
  • 3h30 có mặt ở nhà thờ đổ, tìm địa điểm cắm trại hợp lý. Ngay nhà thờ đồ cũng có bãi đất trống phù hợp để hạ trại, nếu không các bạn có thể đi quá một tẹo sẽ có một khoảng đất trống nền xi măng ngay cạnh đường có thể cắm.
  • Sau khi chọn được địa điểm phù hợp thì chia nhóm, 1 nhóm dựng lều, 1 nhóm thì kiếm củi gầy than.
  • 5 – 6h là quây quần bên đống lửa, oánh chén chém gió tơi bời.
  • Buổi tối đàn ca sáo nhị, có thể thi kể chuyện ma, thử thách gan dạ. Nhà thờ cổ về đêm mang vẻ tĩnh mịch âm u rất phù hợp cho các nhóm bạn chơi trò này.

Sáng ngày 1: Sáng dậy làm nồi mì tôm khuấy đảo cả thiên hạ bằng bếp ga dã ngoại.

  • 8h30 – 9h ăn sáng xong thu dọn đồ đạc, nhớ đem rác bỏ đúng nơi quy định. Sau đó có thể lên thăm đền Thượng hoặc đền thờ Bác Hồ, hoặc lựa chọn quay ra khoang xanh – Suối Tiên chơi.
  • Có một gợi ý khác cho bạn nào đi theo hướng 2 là qua thành cổ Sơn Tây và đường Lâm chơi rồi về Hà nội.

Lịch trình cắm trại Ba Vì 2 ngày 1 đêm

Theo mục “Ở Ba Vì tham quan những nơi nào”, các bạn có thể tuỳ chọn cho mình một số các địa điểm nổi tiếng để tới. Dưới đây là một vài tuyến ngắn gọn được tôi lên kế hoạch để gợi ý cho các bạn, các bạn chạy đi theo hướng 1 và về theo hướng 2 hoặc 3 sẽ ghé qua được cả Sơn Tây.

Ngày 1: Trung tâm Hà Nội – vườn quốc gia Ba Vì – rừng thông – đền Thượng – đền thờ Bác Hồ – nhà thờ Pháp cổ. Cắm trại nghỉ đêm ở nhà thờ đổ.

Ngày 2: Nhà thờ đổ – vườn xương rồng – khoang xanh – Suối Tiên/khu du lịch Ao Vua/Thiên Sơn Suối Ngà – thị xã Sơn Tây – thành cổ Sơn Tây – làng cổ Đường Lâm – chùa Mía – Hà Nội.

Nào, bây giờ thì các bạn hãy lên ngay lịch trình đi Ba Vì thôi, một bữa tiệc nướng BBQ đang đợi rồi. Hãy chia sẻ cho chúng tôi chuyến hành trình và cảm nghĩ của các bạn nhé.

Tham gia Group Facebook của Cùng Trải Nghiệm để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích: Cộng đồng khách hàng Cùng Trải Nghiệm

Bài viết liên quan